digiforce

Con đường nghề nghiệp

Cô giáo dạy finance của mình ở chương trình tiến sỹ kể lại rằng, vợ chồng cô đến Mỹ từ Đông Âu. Cả hai đều nộp đơn vào chương trình tiến sỹ toán. Chồng cô thì được vì rất giỏi, còn cô thì trượt nên phải vào học chương trình tiến sỹ finance. Bây giờ cả hai đều làm giáo sư, lương của cô gấp đôi chồng, học dở cũng là một cái hay. Thế giới này không công bằng, quả thật có những nghề việc nhẹ (hơn) nhưng lương cao (hơn).

Lúc mình học tiến sỹ, có một bạn từ Việt Nam qua học tiến sỹ toán lý thuyết. Mình mời qua ăn cơm mấy lần, thuyết phục bạn ấy đổi qua toán ứng dụng vì sau này dễ kiếm việc hơn mà lương lại cao hơn (nhiều). Bạn ấy cương quyết không thay lòng. Sau này bạn ấy lấy vợ rồi có con, bạn ấy tự đổi qua toán ứng dụng, học lại mất hết mấy năm.Chọn nghề theo đam mê, tiền bạc không quan trọng, cho đến khi nó quan trọng.

Mình học đại học ngành xây dựng vì biết ngành này có nhiều việc và thu nhập cao ở Việt Nam. Khi mình học cấp 3, ba mình nói, Việt Nam còn phải xây dựng rất nhiều đường xá, cầu cống, nhà cửa, hãng xưởng,… Làm nghề xây dựng đi làm cũng được, tự mình làm thầu cũng được. Việc làm bao la, tiền bạc thoải mái. Vào học, mình học cũng tốt, các môn học cũng thú vị, tốt nghiệp thứ hạng cao. Ra trường đi làm được 6 tháng, mình quyết định đổi nghề vì không hợp. Mình không thích làm việc trên bàn nhậu, không thích tăng 2 tăng 3, không thích suốt ngày nhìn bê tông cốt thép. Nghĩ một hồi, nếu ngày nào cũng làm thế này trong mấy chục năm thì không có gì thú vị. Mình quyết định đổi nghề. Tiền quan trọng, nhưng chất lượng cuộc sống quan trọng hơn. Nhiều tiền mà cuộc sống không thú vị thì để làm gì?

Với kiến thức nền kỹ thuật, mình đi học MBA dĩ nhiên là thấy các môn tính toán như finance dễ hơn các môn về hành vi như marketing. Các môn finance mình đều được A+ nhưng các môn marketing thì … hên xui 😃 Thế nhưng mình quyết định theo ngành marketing khi học PhD vì mình thích tính nhân văn của nó. OK, marketing không phải là dụ người ta mua hàng, mà là một ngành học rất nhân văn. Mình sẽ nói về chủ đề này sau vì không muốn lạc đề. Thế nhưng mình cũng lấy vài môn của chương trình PhD bên finance. Và cũng không có gì ngạc nhiên, mình luôn đạt điểm cao các môn này. Cô dạy finance mình kể ở trên cũng hỏi mình có muốn đổi qua finance không. Lúc đó mình biết, sau khi ra trường, làm giáo sư bên finance ở Mỹ có thu nhập cao hơn giáo sư marketing 10%-20%. Mình có tham dự các seminars trong trường của cả hai bên marketing và finance (cũng hay có giáo sư các trường khác đến nói chuyện). Mình nhận thấy, mình thích cách các giáo sư marketing đối xử với nhau hơn. Nó nhẹ nhàng và có gì đó hợp với mình hơn. Cân nhắc giữa lương cao hơn và đồng nghiệp hợp hơn, mình chọn đồng nghiệp. Tiền thì có thể đi buôn kiếm thêm được chứ đồng nghiệp đâu có thay đổi được.

Chọn nghề là một quyết định quan trọng, cần phải cân nhắc nhiều khía cạnh khác nhau: tài chính, môi trường, đồng nghiệp, kỹ năng, thử thách, đam mê, lối sống … Thế nhưng không phải ai cũng tiếp cận được những thông tin này khi chọn nghề. Nhất là với những nghề mới trong kỷ nguyên số. Nên mình muốn xây dựng một diễn đàn để chúng ta chia sẻ với nhau những thông tin về những con đường nghề nghiệp trong kỷ nguyên số như digital marketing, business analytics, fintech, edtech, …

Xin mời các bạn gia nhập nhóm digiforce – your paths to digital workforce! Nơi chúng ta chia sẻ những con đường nghề nghiệp digital, những kỹ năng và kiến thức cần có để làm những nghề này, và làm thế nào để có những kỹ năng và kiến thức đó.Các bạn nhớ tham dự sự kiện khai mạc ngày 20/2 với sự chia sẻ của các giáo sư và lãnh đạo doanh nghiệp ở Mỹ, Anh, và Việt Nam. Cách thức đăng ký sẽ được thông báo trong nhóm digiforce. Các bạn hãy gia nhập nhóm để theo dõi nhé! Và nhớ rủ thêm bạn bè cho đông vui 🙂

Chia sẻ bài viết:
Xem tất cả các bài viết khác tại đây