Lúc mình còn học PhD ở Utah, trong một buổi brown bag seminar mình thấy ông giáo sư trưởng khoa thần kinh bên trường Y lò dò qua tham dự (mình quen ông này vì làm bạn với mấy người trong lab của ổng). Mình hỏi, sao ông có nhã hứng qua nghe research của bên Marketing nữa. Ổng nói, tại thấy đề tài này liên quan đến bên ổng nên ổng qua để học hỏi. Đề tài trình bày hôm đó là của một khách mời từ trường khác qua, nói về ứng dụng thần kinh học (neuroscience) để nghiên cứu Consumer Behaviors. Trong cái seminar đó, ổng ngồi nghe rất nghiêm túc, hý hoáy ghi chép rất cẩn thận và đặt rất nhiều câu hỏi. Trước khi về, ổng cám ơn speaker và nói đã học được rất nhiều.
Ngày nay, kiến thức liên ngành trở nên ngày càng quan trọng. Nhiều khi để làm một điều gì đó trong một ngành này, chúng ta lại cần kiến thức từ những ngành khác. Ví dụ như làm Marketing thì cần phải biết Consumer Behaviors. Không biết hành vi khách hàng thì làm Marketing kiểu gì? Nhưng ngành Consumer Behaviors cổ điển xem bộ não con người là một black box, họ chỉ biết được con người sẽ phản ứng ra sao trong các tình huống khác nhau, nhưng không biết được bộ não con người xử lý thông tin cụ thể như thế nào để ra được các phản ứng đó. Cách đây khoảng 20 năm, một số nhà nghiên cứu Consumer Behaviors đã học và sử dụng neuroscience để tìm cách giải bài toán đó và cho đến nay đã có một số thành tựu. Các thành tựu đó lại được bên Y sử dụng để nghiên cứu cách chữa trị một số bệnh thần kinh. Việc kiểu như bác sỹ Y khoa đi nghe hội thảo Marketing ngày một nhiều.
Khi học PhD ngành Marketing, ngoài các lớp trong khoa Marketing, mình còn lấy lớp bên khoa Toán, Tài chính, Kinh tế, Giáo dục. Ngoài ra mình còn lấy học bổng đi học mấy workshops ở các trường khác như Pennsylvania và Columbia – Duke – UCLA để học những thứ mà trường mình không có dạy.
Vậy tập trung chuyên môn không có nghĩa là tập trung vào một chuyên ngành học mà là tập trung xây dựng năng lực để giải quyết các bài toán thực tiễn của một lĩnh vực. Để làm tốt Marketing, bạn phải biết Consumer Behaviors, Toán, Tài chính, Kinh tế, … chứ chỉ cắm đầu học mỗi Marketing thì không đủ. Đây là lý do mình thích phương pháp học theo hiện tượng (phenomenon-based learning) hơn là học theo môn (subject-based learning). Nhưng hiện nay mình chưa thấy môi trường nào làm được phenomenon-based learning một cách có hệ thống vì thực sự rất khó. Cách tốt nhất hiện nay vẫn là tự tìm hiểu xem lĩnh vực của mình cần trang bị những gì và những cái đó liên quan với nhau ra sao, kết hợp với nhau ra sao để giải quyết các bài toán trong lĩnh vực mà mình làm.
Tất nhiên là nếu có một người thầy đủ tầm nhìn và đủ cái tâm để hướng dẫn thì việc học của bạn sẽ đúng hướng hơn. Mình may mắn là có được một người thầy như thế ở chương trình PhD. Những môn học ở các khoa khác và các trường khác là thầy gợi ý cho mình đi học và hỗ trợ viết thư giới thiệu cho mình đi học. Thầy nói, để đi xa trong nghề, em phải học nhiều thứ hơn là Marketing để có một nền tảng vững chắc.
Đến đây có bạn nào tò mò Marketing có cái quái gì mà bác sỹ Y khoa lại đi học để về áp dụng trong Y khoa không? Mình sẽ trình bày thử một nghiên cứu như thế trong buổi chia sẻ Consumer Behaviors sáng Chủ Nhật (tháng7/2023). Bạn có thể xem lại Consumer Behaviors webinar tại đây.