Gmartek

Đi học và đi dạy ở Mỹ, Chuyện của người trong cuộc

Lúc chuẩn bị hồ sơ qua Mỹ học, mình thi GMAT được 720 điểm (top 4%). Ngay sau đó mình nhận được khoản chục cái học bổng từ các chương trình MBA ở các trường top ở Mỹ từ 50% đến 75% (Chắc họ mua thông tin từ nơi tổ chức thi GMAT). Tuy nhiên, tính ra đóng 25% học phí của các trường này thì cũng rất nhiều tiền. Sau này mình mới biết đây là cách các trường đại học ở Mỹ làm giá. Họ niêm yết học phí rất cao rồi sau đó cấp đủ các thể loại “học bổng” để lôi kéo học sinh. Việc sinh viên nhận 50% “học bổng,” thậm chí là 75% “học bổng” vào các trường này không phải là hiếm. Do đó, các bạn đừng thấy ngại khi nộp hồ sơ vào các trường có học phí cao. Xác suất rất cao là bạn có thể nhận được các thể loại “học bổng” này để vào học. Đây là cách họ làm giá mà thôi. Nghe “con tui học trường xịn học phí 80K/năm nhưng nó có học bổng 75%” sẽ sang hơn là “con tui học trường học phí 20K/năm”, nhưng thực chất là như nhau. Biết được tâm lý phụ huynh và học sinh như vậy nên rất nhiều trường có chính sách học phí như thế.

Đó là bậc đại học và master, chứ học PhD ở Mỹ ngoài miễn học phí ra còn được trả lương nữa, gọi là stipend. Nhiều chương trình master cũng có chính sách như vậy nếu bạn làm việc cho trường, nhận stipend và được miễn học phí. Vì vậy, dù học phí niêm yết cao hơn hầu hết các nước khác, du học ở Mỹ nhiều khi lại ít tốn kém hơn trên thực tế, thậm chí còn được lãnh stipend.

Lúc mình làm hồ sơ tìm học bổng đi học PhD ở Mỹ, mình có nhờ một người bạn lúc đó đang học PhD xem dùm cái cover letter. Bạn ấy sửa vài chỗ quan trọng: thứ nhất, bỏ cái vụ học xong về Việt Nam đi. Người ta đào tạo một PhD với chi phí rất lớn là để bạn trở thành professor ở một trường nổi tiếng để mang lại danh tiếng cho trường. Học xong bạn về VN thì người ta tuyển làm gì? Thứ hai, đừng nói nhiều về sở thích giảng dạy mà tập trung vào sở thích nghiên cứu vì họ quan tâm đến nghiên cứu hơn là giảng dạy. Nên dù có thích đi dạy lắm, trong cover letter thì tui tém tém cái sở thích này lại. Túm lại là, tui học được 1 điều, phải biết tại sao người ta tuyển thì bạn mới có cơ hội được tuyển.

Khi tôi bắt đầu nhập học, ông thầy PhD program director dẫn 3 đứa nhập học đợt đó đi ăn. Và đó là lần đầu tiên tôi biết đến Marketing PhD job market nó được vận hành như thế nào và làm sao để có được việc làm trước khi ra trường (bạn không đọc lộn đâu, tụi tui có job rồi mới tốt nghiệp). Quá trình học PhD ở đó là thời gian các thầy cô chuẩn bị cho tôi kiếm được vị trí giáo sư trong cái job market đó. Khi tui hỏi ông thầy trưởng khoa lúc đó, cũng là advisor của tui sau này, điều kiện để tốt nghiệp là gì. Ông bảo, khi anh có việc làm thì tui cho anh tốt nghiệp.

Mấy bạn muốn nghe những câu chuyện của người trong cuộc, đã đi học và bây giờ đi dạy ở Mỹ, giống như vậy hay không? Để lại bình luận cho mình biết nhé!

đi học ở mỹ
Chia sẻ bài viết: