Gmartek

Vô Chiêu Thắng Hữu Chiêu: Độc Cô Cửu Kiếm Trong Marketing

Vô Chiêu Thắng Hữu Chiêu là vô địch thiên hạ trong thế giới kiếm hiệp của Kim Dung. Kim Dung đề cập đến nhân vật vô địch thiên hạ Độc Cô Cầu Bại lần đầu tiên trong Thần Điêu Đại Hiệp nhưng không nói rõ tại sao ông ta lại không có đối thủ, chỉ biết rằng ông ấy đánh đâu thắng đó, suốt cuộc đời cầu bại 1 lần mà không được. Có lẽ lúc đó Kim Dung cũng chưa tìm được cách lý giải làm thế nào để vô địch tuyệt đối như vậy. Sau đó trong bộ Ỷ Thiên Đồ Long Ký, ông giới thiệu khái niệm Vô Chiêu Thắng Hữu Chiêu khi Trương Tam Phong truyền thụ Thái Cực Kiếm cho Trương Vô Kỵ. Lần đầu khi Trương Tam Phong múa kiếm, Vô Kỵ nhớ được 70% chiêu thức. Lần thứ 2, Vô Kỵ mừng rỡ reo lên “con chỉ nhớ được 30% chiêu thức.” Trong mấy trăm cao thủ đứng nhìn, chỉ có 1 mình Vô Kỵ nhận thức được điều kỳ diệu của Thái Cực Kiếm là kiếm ý chứ không phải kiếm thức. Khi lĩnh hội được kiếm ý thì không cần nhớ kiếm thức nữa. Tuy đã đi được đến khái niệm kiếm thức không quan trọng bằng kiếm ý, Kim Dung lúc này vẫn chưa lý giải được làm thế nào vô chiêu thắng được hữu chiêu.

Cho đến bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ, ông mới lý giải được cụ thể làm thế nào vô chiêu thắng được hữa chiêu khi mô tả Phong Thanh Dương truyền thụ Độc Cô Cửu Kiếm của Độc Cô Cầu Bại cho Lệnh Hồ Xung. Có thể nói sau khi giới thiệu nhân vật vô địch thiên hạ này cả chục năm, Kim Dung mới tìm ra được một giải thích hợp lý tại sao ông ấy vô địch.

Độc Cô Cửu Kiếm có 9 phần: Tổng quát thức, phá kiếm thức, phá đao thức, phá chưởng thức, phá thương thức, phá tiên thức, phá sách thức, phá tiễn thức, phá khí thức. Bí quyết bất bại của Độc Cô Cửu Kiếm nằm ở chỗ am hiểu tất cả chiêu thức của đối phương và ra tay áp chế các chiêu thức đó. Vấn đề ở chỗ, chiêu thức trong thiên hạ nhiều vô kể, làm sao có thể biết hết được? Giải pháp mà Độc Cô Cầu Bại nghĩ ra là, gom các chiêu thức gần giống nhau lại để tìm ra các quy luật chung, để từ đó hiểu được quy luật chung của các chiêu thức đó mà áp chế phù hợp. Ví dụ như các chiêu thức sử dụng đao sẽ có những quy luật của nó, hiểu được quy luật chung này thì sẽ phá được các loại đao pháp khác nhau. Ông ta gom lại thành Phá Đao Thức. Cứ như vậy, ông ta gom lại làm 8 thức. Rồi lại gom 8 thức này vào Tổng Quát Thức, lấy đó làm nền tảng. Khi đạt đến cảnh giới tối cao, chỉ cần nhìn đối thủ ra chiêu, ông ta dựa vào các quy luật trong 9 thức đó để nhận ra sơ hở của chiêu thức mà từ đó phá giải.

Marketing cũng như vậy, nếu bạn còn sử dụng chiêu thức ví dụ như 4Ps, 7Ps, AIDA, Branding, CDP, CRM, CX, Communication mix, Design thinking … này nọ thì vẫn còn nằm trong giới hạn của chiêu thức. Để đi đến đỉnh cao, bạn phải thoát khỏi các chiêu thức này mà đi đến chỗ vô chiêu giống như Độc Cô Cửu Kiếm.

Bất kỳ chiêu thức nào, dù là cao minh đến đâu, cũng chỉ phù hợp cho vài trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ biết vài chiêu thức mà thiếu đi căn bản, bạn sẽ có xu hướng sử dụng những chiêu thức đó mọi lúc mọi nơi giống như câu nói “if all you have is a hammer, everything looks like a nail.”

Có lần mình tham dự một hội thảo về Marketing trong y tế, diễn giả là một cựu CEO chi nhánh Đông Nam Á của một tập đoàn đa quốc gia. Bạn ấy giảng bài AIDA trong truyền thông Marketing. Đại ý là, một chương trình truyền thông Marketing bài bản phải đi từ Awareness (nhận biết), đến Interest (thích thú), đến Desired (mong muốn), rồi đến Action (hành động). Mình nghe xong thì thấy có gì đó sai sai. Bài AIDA có thể phù hợp với thị trường hàng tiêu dùng như xe, đồ điện tử, … nhưng không phù hợp với y tế vì đối với phần lớn dịch vụ y tế, rất ít ai “thích thú” với “mong muốn” đi khám bệnh. Đó là lý do vì sao, nhiều người làm marketing rất thành công ở một lĩnh vực, lại thất bại ở một lĩnh vực khác. Chiêu thức được học từ một công ty, một ngành nào đó, không thể được áp dụng vào một công ty hay ngành khác.

Chiêu thức là chết, thị trường là sống. Muốn “thắng” được thị trường thì phải vận dụng chiêu thức một cách sống động chứ không phải máy móc. Ví dụ như nếu áp dụng AIDA vào trong y tế thì phải thay Interest và Desired bằng Belief (tin tưởng). Còn đỉnh cao thì bỏ luôn chiêu thức, gọi là vô chiêu thắng hữu chiêu.

Giống như Độc Cô Cửu Kiếm, vô chiêu trong Marketing không học chiêu thức Marketing mà quay về với cơ bản, học hành vi của khách hàng. Khi nắm được hành vi của khách hàng thì chúng ta có thể thiết kế ra các quy trình Marketing phù hợp để “thắng” họ. Vấn đề là, hành vi khách hàng rất đa dạng, chúng ta phải làm thế nào? Cũng giống như Độc Cô Cửu Kiếm, chúng ta nghiên cứu để tìm ra những quy luật chung của tất cả hành vi khách hàng để gom lại thành tổng quát thức. Marketing có 2 tổng quát thức là Consumer Behaviors và Organizational Buying Behaviors, tạm dịch là hành vi người tiêu dùng và hành vi mua hàng của các tổ chức. Cái đầu dành cho thị trường B2C và cái sau cho thị trường B2B. Bạn nào muốn làm marketing thì phải nắm được 2 món nền tảng này, tự nhiên sử dụng chiêu thức sẽ linh hoạt và hiệu quả hơn.

Mình sẽ có một buổi chia sẻ về nền tảng đầu tiên, Consumer Behaviors, vào 9h sáng Chủ Nhật ngày 2/7/2023 (giờ Việt Nam). Bạn có thể xem Consumer Behaviors Webinar tại đây.

Chia sẻ bài viết: